Bản tin ô tô đầu tuần, thứ Hai ngày 13 tháng 5 năm 2023.
Đưa ô tô về ‘zin’ chỉ để đạt đăng kiểm có bị phạt?
Hiểu sai về quy định mới, nhiều chủ xe đã phải đi mượn, thuê linh kiện để về “zin” cho xe trước khi đi đăng kiểm.
Sau một thời gian Thông tư 43/2023 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15-2 khiến nhiều chủ xe hiểu sai về một số quy định. Đặc biệt là những quy định về các hạng mục thay đổi kết cấu không được coi là cải tạo xe như đèn, lắp thêm bậc dẫm chân… khiến cho nhiều chủ xe loay hoay.
Thuê đồ “zin” để đăng kiểm
Theo tìm hiểu của PV, nhiều chủ xe trước khi đến hạn đăng kiểm sẽ tìm hiểu trước những thay đổi kết cấu trên xe có qua kiểm định hay không, sau đó mới đưa xe đi đăng kiểm.
Anh Thế Sang cho biết: “Tôi cũng nghe về việc được thay đổi đèn xe nên đã thay đèn bi gầm để hỗ trợ chạy xe vào ban đêm hay lúc đi thời tiết sương mù. Nhưng vừa rồi đi đăng kiểm thì tôi bị “trả về” và đang tìm hướng xử lý”.
Vì trượt kiểm định, nhiều chủ xe đến các cửa hàng nội thất ô tô, tìm kiếm trên mạng xã hội để thuê đồ zin (nguyên bản) của xe, bằng cách nào đó để tạm thời qua đăng kiểm. Mức giá thuê mỗi cặp đèn zin dao động từ 600 ngàn đồng đến hơn 1,5 triệu đồng, tùy theo từng loại xe.
Anh Nguyễn Khắc Trung (Chủ garage Khắc Trung Auto) cho biết: “Thời gian qua nhiều người đến hỏi về đèn zin để thay thế, thuê hoặc mượn để đi đăng kiểm”.
Theo anh Trung, nhiều chủ xe chia sẻ các loại xe thay đổi chóa, độ đèn bi thì thường bị trượt đăng kiểm. Giá thuê bên ngoài thị trường chừng 600-800 ngàn đồng đối với xe thông dụng. Riêng các dòng xe hiếm thì giá thuê có thể lên đến từ 1-1,5 triệu đồng.
“Thông thường đối với xe đã làm đèn rồi thì sẽ khó quan sát nếu quay lại đèn zin bởi vì nhiều người cảm thấy không đủ độ sáng khi di chuyển. Do đó, nhiều người chấp nhận khi đăng kiểm sẽ phải thuê đèn, mượn đèn để qua đăng kiểm. Cho nên tôi nghĩ chủ xe thực sự có nhu cầu thì hãy thay thế”- anh Khắc Trung đưa ra lời khuyên.
Cẩn trọng khi thuê, mượn linh kiện chỉ để đăng kiểm
Đại diện một Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM cho biết: “Việc các chủ xe hiểu sai về quy định này cũng không quá nhiều, đa số các chủ xe sẽ đến Trung tâm hỏi trực tiếp, sau đó về sửa chữa, bảo dưỡng lại đầy đủ sau đó mới đến đăng kiểm chính thức”.
Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Trần Văn Giới, Đoàn LS TP.HCM cho biết theo điểm a Khoản 8 Điều 30 Nghị định số 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021) quy định như sau: “Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định”.
Căn cứ quy định trên thì việc thuê, mượn linh kiện, phụ tùng để đi đăng kiểm đối với xe ô tô là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chủ xe ô tô khi thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt đối với chủ xe là cá nhân từ 4-6 triệu đồng, đối với chủ xe là tổ chức từ 8-12 triệu đồng.
“Theo tôi được biết, việc thuê, mượn linh kiện chỉ để kiểm định hiện nay là rất phổ biến, hệ quả của hoạt động này dẫn đến tình trạng rất nhiều xe ô tô với các linh kiện, phụ tùng không đủ tiêu chuẩn, đã cũ hoặc hỏng hóc, không đảm bảo điều kiện an toàn nhưng vẫn vượt qua đăng kiểm để lưu thông, đây là tình trạng đáng lo ngại về an toàn giao thông”- LS Giới cho hay.
Cũng theo LS Giới, có thể thấy cả hành vi thuê, mượn và hành vi cho thuê, cho mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô để thực hiện kiểm định đều là hành vi xâm hại đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay chỉ có quy định xử phạt đối với chủ xe thực hiện hành vi thuê, mượn nói trên của chủ xe mà chưa có chế tài đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cho thuê, cho mượn.
“Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất của Bộ Công an soạn thảo đã liệt kê hành vi “thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định” vào nhóm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Dự thảo. Trong thời gian tới, khi dự thảo luật được thông qua, rất có thể Chính Phủ sẽ ban hành quy định về chế tài đối với cả các tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định”- LS Trần Văn Giới nhấn mạnh.
Xe trượt đăng kiểm chiếm tỉ lệ cao
Vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng thông báo trong ba tháng đầu năm 2024, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước thực hiện kiểm định gần 1,3 triệu lượt phương tiện.
Trong đó, hơn 1 triệu lượt xe đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hơn 203 nghìn lượt phương tiện “trượt” đăng kiểm phải bảo dưỡng, sửa chữa, điều chỉnh để kiểm định lại.
Chỉ tính riêng trong tháng 3, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước đã kiểm định hơn 379 nghìn lượt phương tiện, trong đó gần 64 nghìn lượt phương tiện bị trượt đăng kiểm. Đây được đánh giá là tỷ lệ trượt đăng kiểm cao hơn so với trước đây.
Theo: 24h
Hãng Xiaomi chỉ mất 76 giây để lắp ráp xong xe SU7
Hãng Xiaomi vừa giới thiệu đoạn clip về quy trình lắp ráp mẫu xe SU7 và có thời gian chỉ mất 76 giây để hoàn thiện.
Với công nghệ tự động hóa được triển khai ở nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, nhà máy Xiaomi có thể cho ra lò 40 xe điện Xiaomi SU7 mỗi giờ đồng hồ, nhưng hãng Trung Quốc cũng đang chịu lỗ khá nhiều tiền trên mỗi xe bán ra.
Khi Xiaomi công bố kế hoạch sản xuất xe điện vào năm 2021, lúc đó không ít người cho rằng lại có thêm một công ty chuyên làm đồ điện tử gia dụng khác tham gia vào cuộc chơi “đốt tiền” với tham vọng quá cao và những kế hoạch hoành tráng khó thành hiện thực. Tuy nhiên tại thời điểm này của năm 2024, hãng đã bắt đầu bán ra những chiếc xe điện SU7 đầu tiên và nhận được sự ủng hộ của phần đông khách hàng nội địa Trung Quốc.
Xiaomi cho biết họ đã nhận được hơn 75.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện có kiểu dáng thể thao năng động này và để đáp ứng nhu cầu, họ cần một nhà máy hiện đại. Nhà máy sản xuất xe điện của Xiaomi chính thức được khánh thành từ tháng 6/2023, tọa lạc tại Khu kinh tế kỹ thuật Bắc Kinh, bao gồm 6 phân xưởng chính, 29 phòng thí nghiệm R&D và đường thử dài 2,5 km.
Trong đoạn video được Xiaomi phát hành để giới thiệu về nhà máy, có thể thấy nhiều chi tiết “hoành tráng” được phô diễn như trang bị hơn 700 robot, tự động hóa 100% các công nghệ then chốt như lắp ráp khung gầm xe bằng thép và nhôm, lắp đặt bốn cửa, hai nắp capo và chắn bùn, vận chuyển tự động các linh kiện cỡ trung và lớn, cùng với hệ thống robot phun sơn 7 trục tiên tiến nhất.
Video này cũng cho thấy một phần của công đoạn đúc khuôn mà Xiaomi gọi là Hyper Casting, sử dụng máy dập có lực ép lên đến 9.100 tấn để tạo hình xe nhanh chóng, giảm số lượng linh kiện, chi phí và thời gian sản xuất. Dù vậy, có vẻ như hãng Trung Quốc cố ý bỏ qua nhiều phần quan trọng của quy trình sản xuất, chẳng hạn như công đoạn lắp ráp nội thất, mà nhiều khả năng vẫn có sự tham gia của đội ngũ công nhân.
Khi SU7 hoàn thiện và được kiểm tra, hệ thống lái tự động của nó sẽ tự đưa nó ra khỏi dây chuyền lắp ráp. Quá trình kiểm tra cũng được tự động hóa hoàn toàn, bao gồm kiểm tra ngoại thất bằng tia cực tím, kiểm tra khung gầm bằng radar laser 100% cho toàn bộ xe và kiểm tra chi tiết đúc bằng tia X.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại này, sau khi đạt công suất tối đa, trung bình cứ 76 giây sẽ có một chiếc Xiaomi SU7 được xuất xưởng, tương đương với 40 xe ra lò mỗi giờ đồng hồ. Lý do chính khiến SU7 trở nên phổ biến ở Trung Quốc là vì nó có giá khởi điểm chỉ 216.000 nhân dân tệ tương đương 760 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức giá 245.600 nhân dân tệ tương đương 865 triệu đồng của đối thủ Tesla Model 3.
Bên cạnh đó, Xiaomi SU7 còn sở hữu kích thước rộng rãi hơn, kiểu dáng sang trọng như một chiếc Porsche Taycan và có hiệu năng vận hành tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Xiaomi đang lỗ khoảng 68.000 nhân dân tệ tương đương 240 triệu đồng cho mỗi chiếc SU7 mà hãng bán ra. Theo kế hoạch, Xiaomi dự kiến bán SU7 tại 211 cửa hàng ở 39 thành phố Trung Quốc. Hãng chưa đề cập đến khả năng bán mẫu xe điện này ở nước ngoài.
Theo: 24h
Lộ bằng chứng cho thấy Ford EcoSport sắp hồi sinh: Chỉ có bản hybrid hoặc thuần điện, liệu có quay lại Việt Nam?
Những hình ảnh được cho là ảnh đăng ký bản quyền của Ford EcoSport mới vừa xuất hiện tại Ấn Độ.
Trong kế hoạch làm mới đội hình toàn cầu của mình, Ford đang dự định mang EcoSport trở lại nhiều thị trường toàn cầu. Tại Ấn Độ xuất hiện những hình ảnh được cho là ảnh đăng ký bản quyền của EcoSport mới vừa xuất hiện rộng rãi.
Theo tờ RushLane của Ấn Độ, Ford EcoSport đời mới sẽ đổi hệ truyền động sang điện hóa 100% với các cấu hình hybrid xăng – điện và thuần điện. Tại châu Âu, mẫu xe này sẽ khỏa lấp khoảng trống mà Ford Fiesta hay Focus bỏ lại.
Địa điểm lắp ráp xe được đồn đoán là Valencia, Tây Ban Nha thay vì Craiova, Romania như trước. Trước đó, hãng xe Mỹ đã úp mở về việc lắp ráp một mẫu xe “đa năng lượng mới” tại cơ sở trên. Yếu tố đa năng lượng cho thấy xe sẽ có các cấu hình xăng – điện đa dạng như vừa nhắc tới.
Về thiết kế, ảnh đăng ký bản quyền rò rỉ cho thấy Ford EcoSport đời mới sở hữu dải đèn định vị ban ngày LED 3 mảnh đặt dọc kế bên tản nhiệt. Trong khi đó cụm đèn chiếu sáng dạng dọc hai bên ở vị trí thấp hơn.
Ở cả châu Âu và Ấn Độ, Ford EcoSport đều có khởi đầu rất tốt trước khi “hụt hơi” dần và sau đó bị dừng bán. Đặc biệt, tại Ấn Độ, dòng xe này luôn có tập khách hàng trung thành theo dõi khi là mẫu xe tiên phong cho phân khúc SUV dài dưới 4 mét hiện đã trở thành phân khúc hot bậc nhất thị trường.
Hãng xe Mỹ cho biết, Ford EcoSport đời mới dự kiến sẽ ra mắt vào 2025. Hiện nay, Ford Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về việc sẽ phân phối mẫu xe này.
Theo: AutoPro
Không phải Mỹ, đây là quốc gia ô tô số 1: Mua 1/3 số xe cả thế giới, doanh số một tháng bằng Đức bán cả năm
Quốc gia này có doanh số ô tô đứng số 1 thế giới, được xem là mảnh đất màu mỡ của nhiều hãng xe.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc (China Passenger Car Association – CPCA), toàn thế giới trong tháng 3/2024 đã bán được 8,15 triệu chiếc ô tô.
Trong khi đó, doanh số tại Trung Quốc cũng trong tháng 3 đạt 2,687 triệu chiếc chiếc (theo MarkLines), tức chiếm khoảng 33% tổng doanh số toàn thế giới. Doanh số ô tô tại quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này trong tháng 3 gần tương đương với lượng xe bán ra trong năm 2023 tại Đức – 2,844 triệu chiếc.
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, thị trường ô tô Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 thế giới với doanh số của nhiều năm đạt hơn 20 triệu chiếc. Riêng trong năm 2023, doanh số tại Trung Quốc đạt 21,706 triệu chiếc – theo CPCA. So với năm 2022, doanh số ô tô tại Trung Quốc tăng 5%.
Không chỉ có tổng doanh số cao nhất, Trung Quốc cũng là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới. Trong năm 2023, doanh số xe thuần xăng đã giảm 6,1% so với năm 2022, từ 14,87 triệu chiếc xuống còn 13,958 triệu chiếc; ngược lại, doanh số của dòng xe thuần điện và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) đã tăng 36,5% so với năm 2022, từ 5,679 triệu chiếc lên 7,748 triệu chiếc.
Trên tổng doanh số, xe thuần điện và xe PHEV chiếm 35,7%.
Với sức tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường rất màu mỡ trong góc nhìn của các nhà sản xuất ô tô. Volkswagen là thương hiệu xe ngoại được ưa chuộng nhất tại thị trường này; tuy nhiên, trước đà tăng của doanh số xe điện nội địa, Volkswagen cũng đang phải điều chỉnh chiến lược để không đánh mất vị thế.
Thống kê doanh số năm 2023 cho thấy BYD, Volkswagen, Toyota và Honda lần lượt là 4 nhà sản xuất xe có doanh số lớn nhất Trung Quốc. Vị trí của 4 hãng xe này tương tự trong năm 2022.
Tính riêng BYD, hãng xe này bán ra 2,571 triệu chiếc, tương đương mức tăng 43,3%. Trong khi đó, Volkswagen bán được 2,228 triệu chiếc với mức giảm 0,2% so với năm 2022, tương đương khoảng 10,27% thị phần. Volkswagen đã đánh mất vị thế số 1 tại Trung Quốc vào tay BYD kể từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, một điều thú vị là mẫu xe bán chạy nhất Trung Quốc lại không đến từ 4 hãng xe nêu trên. Mẫu xe bán chạy nhất là Tesla Model Y với 456.394 chiếc. Xếp lần lượt ở vị trí thứ 2 và 3 là BYD Qin Plus và BYD Song Plus với doanh số là 434.213 chiếc và 390.213 chiếc.
Việc Volkswagen tụt hậu và việc một mẫu xe thuần điện của thương hiệu ngoại vươn lên vị trí số 1 có thể cho thấy 2 điều. Đầu tiên, xu hướng tiêu dùng ô tô tại Trung Quốc đang chuyển hướng rõ rệt sang dòng xe điện hóa; điều thứ hai, không nhất thiết phải là một chiếc xe nội địa để trở thành mẫu xe được ưa chuộng nhất.
Đây có lẽ cũng là lý do mà các thương hiệu ngoài Trung Quốc đang ngày càng nỗ lực để chiều theo thị trường. Mới đây nhất, Toyota đã bắt tay với hai hãng xe Trung Quốc để giới thiệu hai mẫu xe thuần điện hoàn toàn mới dành riêng cho thị trường này, lần lượt là bZ3X và bZ3C.
Theo: AutoPro
Cùng mở app eCA và khám phá các tính năng mà ứng dụng mang lại ngay hôm nay tại: https://eca.ecaraid.com/invite?refCode=1189141
Chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Website: https://ecaraid.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/eCarAid
Facebook Group: https://www.facebook.com/groups/ecaraid
Telegram: https://t.me/eca_channel
Telegram group: https://t.me/Eca_VietNam
Email: contact@ecaraid.com
Hotline: +84 36 630 2039