‘Đốt tiền’ để hút người dùng những ngày đầu xuất hiện như các ứng dụng gọi xe khác, startup Zoomcar từ Ấn Độ đặt cược lớn vào thị trường Việt Nam.
Thị trường Đông Nam Á trong ngắn hạn của Zoomcar chỉ gồm Việt Nam và Indonesia. Trước đó, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Zoomcar, ông Greg Moran và Chủ tịch hội đồng quản trị Zoomcar, ông Uri Levine, tuyên bố sẽ đầu tư 100 triệu USD cho khu vực này.
“Trong vòng một năm tới, công ty mẹ đặt mục tiêu thị trường Đông Nam Á sẽ đóng góp 40% cho doanh thu Zoomcar toàn cầu. Việt Nam dự trù chiếm khoảng 10%, tương đương 8 triệu USD cho năm tài chính kế tiếp”, ông Kiệt Phạm, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Quốc gia Zoomcar Việt Nam, nói với VnExpress.
Với đại đa số người dùng Việt Nam, Zoomcar vẫn là cái tên xa lạ. Bởi startup này mới hoạt động được 4 tháng, với thị trường đầu tiên là TP HCM. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, đây là công ty hàng đầu trong hệ sinh thái cho thuê xe ôtô tự lái.
Nền tảng này ra đời năm 2013 với trụ sở chính ở Bangalore. Hiện họ có hơn 300 nhân viên, hoạt động tại hơn 50 thành phố. Tính chung tại tất cả thị trường, họ có khoảng 10.000 xe trên khắp châu Á và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi), để khách hàng thuê theo giờ hoặc theo ngày.
“Chúng tôi đang có trên sàn khoảng 1.000 xe”, ông Kiệt Phạm nói về thành quả tại thị trường Việt Nam sau 4 tháng thâm nhập. Để có được lượng xe này, Zoomcar bạo tay chi thưởng cho các chủ xe đối tác, những người đưa xe của họ lên nền tảng (thường được gọi là treo xe lên ứng dụng) cho khách hàng chọn thuê.
Hàng tuần, hàng tháng, các xe đối tác có đủ số chuyến đặt xe và giờ treo xe tối thiểu sẽ được thưởng tiền. Thậm chí, dịp lễ 30/4-1/5, chủ xe chỉ cần treo xe lên ứng dụng đã được thưởng nóng 3 triệu đồng.
Không chỉ tung tiền ra thưởng chủ xe, ứng dụng này còn tặng nhiều mã khuyến mãi đậm cho người thuê xe. Có thể nói, phương thức chào sân này tương tự như lúc các ứng dụng gọi xe mới vào Việt Nam. Đó là “đốt tiền” thưởng đối tác và tặng mã khuyến mại cho người dùng để tạo thói quen, tập khách hàng và chiếm thị phần.
Ông Kiệt Phạm cho biết công ty mẹ đã sẵn sàng 25 triệu USD để mở rộng sự hiện hiện ở Việt Nam. Kể từ khi thành lập, Zoomcar đã huy động được tổng cộng 207 triệu USD. Trong vòng gọi vốn gần nhất tháng 11/2021, họ huy động thành công 92 triệu USD của do SternAegis Ventures (Mỹ).
Và điều khiến Việt Nam trở thành một trong hai lựa chọn mục tiêu đầu tiên của Zoomcar tại Đông Nam Á là nhờ có quy mô thị trường ôtô lớn thứ 4 trong khu vực và chỉ có 5,7% hộ gia đình sở hữu ôtô, theo số liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê.
Thực tế, Ấn Độ và tất cả các nước mà ứng dụng này hiện diện đều có điểm chung là nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, nhưng cơ sở hạ tầng và tỷ lệ sở hữu ôtô thấp.
Ngoài ra, ông Kiệt Phạm đưa ra 4 lý do khiến ứng dụng này chọn Việt Nam. Đầu tiên là thị trường xe máy đang bão hòa, với lượng tiêu thụ trong 2 năm qua giảm trung bình 10% một năm. Thứ hai là dân số thu nhập trung và cao ngày càng nhiều, có xu hướng chuyển sang sử dụng ôtô. Thứ ba, dù cơ sở hạ tầng vẫn chưa sẵn sàng, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai.
Yếu tố thứ tư là Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng phương tiện vận chuyển mang tính chất cá nhân ngày càng cao. Chính tỷ lệ sở hữu ôtô thấp nhưng số người có thu nhập tăng dần ở ngưỡng có nhu cầu đi ôtô mà chưa đủ sức mua một chiếc xe, tạo ra lượng nhu cầu thuê lớn.
Theo báo cáo phát hành tháng 3 của Statista, thị trường cho thuê ôtô Việt Nam có quy mô ước đạt 550 triệu USD vào năm 2022. Thị trường này được dự báo tăng trưởng hàng năm 10,9% và đạt giá trị 840 triệu USD vào năm 2026 với 8,7 triệu người dùng. “Vào thị trường ở thời điểm này rất đẹp. Thị trường vừa ‘chín’ nên được rất nhiều ủng hộ khi ra mắt”, ông Kiệt Phạm đánh giá.
Và ứng dụng này có những quả ngọt đầu tiên khi số cuốc xe tháng sau thường tăng gấp đôi tháng trước. “Việc này mặc dù không quá ngạc nhiên nhưng nó cũng vượt ngoài các kế hoạch ban đầu của chúng tôi”, người đứng đầu Zoomcar Việt Nam nói.
Tuy nhiên, tương tự các ứng dụng gọi xe khác trong những ngày đầu thâm nhập, tỷ lệ tăng trưởng này đến từ các chiến dịch vung tiền làm khuyến mại rầm rộ. “Chúng tôi phải chạy khuyến mãi để tạo nhu cầu cho thị trường”, ông Kiệt Phạm giải thích.
Theo ông, trước giờ mọi người có nhu cầu nhưng thị trường lại không có giải pháp. Ví dụ, người có nhu cầu thuê thường tốn 15-20 triệu tiền đặt cọc, phải để sổ hộ khẩu và thuê ít nhất một ngày. Còn ở đây công ty chạy khuyến mại để khách hàng biết đến một ứng dụng có thể cho thuê chỉ 6 tiếng, không cần đặt cọc tiền hay bất kỳ giấy tờ gì.
Với chủ xe, vì thị trường chưa đủ lớn, doanh thu chưa đủ hấp dẫn nên phải vung tiền tặng thưởng để họ treo xe lên ứng dụng. “Nhu cầu thị trường phải đủ để sau khi chúng tôi chỉ trả doanh thu cho đối tác tài xế thì họ vẫn kiếm được nhiều hơn so với những cách làm truyền thống khác. Khi đó chúng tôi sẽ ngừng đầu tư để chạy chương trình này”, ông Kiệt Phạm nói.
Nhưng điều thách thức với Zoomcar khi thâm nhập thị trường Việt Nam là chính sách chiết khấu với tỷ lệ quá cao, lên đến 40% – một con số mà có người khi tìm hiểu hợp tác – đã thoái lui.
Nhìn nhận đây là khó khăn nhưng ông Kiệt Phạm cho rằng tỷ lệ này hợp lý vì cần nguồn lực để phát triển thị trường, chịu trách nhiệm rủi ro và vận hành hệ thống. Trong khi đó, chủ xe chỉ việc treo xe lên và không phải bận tâm việc kiếm khách, xác minh độ tin cậy của khách hay giao nhận xe. “Đây là thu nhập thụ động dựa trên thời gian nhàn rỗi của xe”, ông Kiệt Phạm giải thích.
Tiếp đến, cũng chính vì câu chuyện thời gian nhàn rỗi lại phát sinh ra thách thức khác. Đó là dù lượng đặt xe ngày càng tăng nhưng ứng dụng lại “đau đầu” vì các chủ xe có tỷ lệ treo xe thấp, trung bình chỉ 50%. Nguyên nhân là một số chủ xe chỉ treo xe khi rảnh. Chưa kể, xe trên nền tảng đa số là phổ thông và trung cấp mà thiếu vắng các dòng hạng sang.
Ngoài ra, việc phát triển thị trường đến đâu cũng là vấn đề. Vì cho thuê xe tự lái nên nền tảng này bị khống chế dư địa bởi lượng người có bằng lái ôtô còn ít. Ví dụ, tại TP HCM, ước tính chỉ 3% dân số có bằng B1, B2. Giám đốc Zoomcar Việt Nam cho rằng sẽ tham gia thay đổi nhận thức thị trường để giải bài toán này.
Nhóm đối tượng mà ông Kiệt Phạm nhắm đến là sinh viên sắp ra trường và những người làm văn phòng có kinh nghiệm dưới 5 năm. Đây là những người vừa có thời gian, vừa có thu nhập tăng cao vừa đủ để thuê xe tự lái.
Dù có những thách thức sẽ phải vượt qua, đội ngũ của ông Kiệt Phạm tin chắc rằng thuê xe tự lái sẽ là một xu hướng của tương lai. Ông nói đã thấy điều đó diễn ra ở Singapore và Mỹ. Ở Việt Nam, số người tìm kiếm từ khoá cho “thuê xe tự lái” từ tháng 10 năm ngoái đã vượt hẳn lên so với những năm trước đại dịch.
“Điều đó chứng minh, đây sẽ là xu thế và là đối thủ không trực tiếp với các mảng gọi xe có tài truyền thống”, ông nói. Còn trước mắt, Zoomcar đang có kế hoạch mở rộng thị trường ở Hà Nội ngay quý II này.
Nguồn: Vnexpress.net